Thursday, November 4, 2010

Thế khó của Obama khi phe Dân chủ thất bại

Tổng thống Barack Obama sau thất bại của phe Dân chủ. Ảnh: AFP
Tổng thống Barack Obama sau thất bại của phe Dân chủ. Ảnh: AFP
Trong nửa đầu nhiệm kỳ tổng thống vừa qua, ông Obama có lợi thế to lớn là cả Hạ viện và Thượng viện đều nằm trong sự kiểm soát của phe Dân chủ. Nhưng ngay cả điều đó cũng khiến ông gặp rất nhiều khó khăn khi muốn quốc hội thông qua các chính sách của mình, đặc biệt là luật mới liên quan đến hệ thống y tế. Nay với việc đảng Cộng hoà giành được chiến thắng lớn nhất của họ trong 70 năm tại Hạ viện, nửa cuối của nhiệm kỳ Obama báo hiệu sẽ càng thêm khó khăn khi ông muốn quốc hội thông qua các chương trình nghị sự của chính phủ.

Thế hai đảng giữa Nhà Trắng và Hạ viện

Thủ lĩnh phe Cộng hoà tại Hạ viện John Boehner, người sẽ thay thế bà Nancy Pelosi của phe Dân chủ làm lãnh đạo cơ quan này cho rằng, việc đảng Cộng hoà giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và gia tăng số ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua chứng tỏ "chương trình nghị sự Obama-Pelosi" đã bị cử tri Mỹ bác bỏ.
Telegraph dẫn lời ông Boehmer cho biết: "Tôi nghĩ kết quả bầu cử là một sự uỷ thác cho Washington phải làm sao giảm quy mô của chính phủ và chúng tôi tiếp tục nỗ lực vì một chính phủ có trách nhiệm hơn, ít chi phí và quy mô nhỏ hơn, đồng thời cải cách cách thức làm việc của quốc hội".
Đây được coi là chiến thắng lịch sử của phe Cộng hoà khi giành được thêm 60 ghế tại Hạ viện, lớn hơn nhiều con số 38 ghế mà họ cần để nắm quyền đa số. Ngược lại đây cũng là thất bại của phe Dân chủ còn nặng nề hơn kỳ bầu cử năm 1994 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, khi họ để mất 54 ghế trong Hạ viện. Thành quả này mở đường cho ông John Boehner trở thành chủ tịch Hạ viện và đưa các nghị sĩ của đảng Cộng hoà nắm những uỷ ban trong cơ quan này.
Việc đảng Cộng hoà nắm Hạ viện cũng khiến chính trường Mỹ có tình thế khá đặc biệt. Từ đây, Tổng thống Barack Obama (thuộc phe Dân chủ) cùng người chuẩn bị giữ chức Chủ tịch Hạ viện John Boehner (thuộc phe Cộng hoà) cần phải phối hợp với nhau cả với tư cách là đối tác lẫn đối thủ khi họ đưa ra chương trình nghị sự của riêng mình tại quốc hội. Với quan điểm cứng rắn của ông Boehner, mối quan hệ này được dự đoán sẽ không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, sự kết hợp tương tự trên chính trường Mỹ không phải lúc nào cũng căng thẳng. Trong những năm 1990, Tổng thống Bill Clinton thuộc phe Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich thuộc phe Cộng hoà đã từng đứng về phía nhau để thúc đẩy việc phê chuẩn đạo luật về cải cách phúc lợi xã hội. Trước đó, bộ đôi Tổng thống Ronald Reagan thuộc phe Cộng hoà và Chủ tịch Hạ viện Tip O'Neill thuộc phe Dân chủ cũng có mối quan hệ hoà giải trong những năm 1980.

Obama có thêm cửa ải Hạ viện

Ảnh: AFP
Thủ lĩnh phe Cộng hoà tại Hạ viện John Boehner. Ảnh: AFP
Kịch bản đầu tiên và được nhiều người dự đoán nhất sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này là việc Hạ viện với phe Cộng hoà chiếm đa số sẽ có khả năng ngăn cản bất cứ đề xuất nào từ phía Nhà Trắng đang do tổng thống của phe Dân chủ nắm giữ. Nói cách khác, mặc dù phe Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện nhưng việc để mất Hạ viện thì phe Cộng hoà sẽ vẫn dễ dàng tạo ra sự bế tắc đối với bất cứ kế hoạch nào của Tổng thống Obama.
Những nghị sĩ phe Cộng hoà cũng có thể coi đây là một cơ hội đặc biệt thuận lợi để làm giảm sự ủng hộ đối với Tổng thống Obama, một người thuộc phe Dân chủ, trong bối cảnh đảng này đang nỗ lực hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện là Mitch McConnell, phe Cộng hoà, từng không úp mở khi tuyên bố: "Thứ quan trọng duy nhất mà chúng tôi muốn giành được là việc Tổng thống Obama chỉ nắm quyền trong một nhiệm kỳ". Phát biểu này được hiểu một cách rộng rãi như là một tín hiệu rằng ông muốn các đề xuất của tổng thống sẽ không được quốc hội thông qua.
Để rơi vào thế khó như kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ đặt ra, bản thân Tổng thống Barack Obama cũng phải chịu trách nhiệm và chính ông đã thừa nhận điều này. Bên cạnh đó ông cũng ngụ ý sẵn sàng thoả hiệp với phe Cộng hoà và nhấn mạnh sẽ cần phải làm tốt hơn trong nửa cuối của nhiệm kỳ mình.

No comments:

Post a Comment